Tình trạng nóng laptop không phải là điều hiếm gặp, đặc biệt ngày hè trở thành cực hình với những chiếc máy tính làm việc với cường độ cao.
Hạn chế được tình trạng máy nóng sẽ tránh hiện tượng hỏng chip, hỏng CPU, phần nào kéo dài tuổi thọ của laptop.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tản nhiệt máy tính, có thể áp dụng để làm mát laptop, làm mát máy tính để bàn khá hiệu quả. Chúng vô cùng đơn giản, hiệu quả và không ảnh hưởng đến máy tính. Nếu máy tính, laptop của bạn đang bị nóng thì hãy xem ngay nhé.
Cách cách tản nhiệt laptop hiệu quả
Thay đổi thiết lập trên Windows để làm mát máy tính
Trước tiên bạn cần truy cập vào Windows Power Manager để chỉnh sửa thiết lập và làm theo các hướng dẫn sau:
Bước 1: Kích hoạt vào biểu tượng pin dưới thanh công cụ và chọn Power Options.
Bước 2: Chọn Change plan settings.
Bước 3: Tiếp tục chọn Change advanced power settings để chỉnh sửa thiết lập.
Tại đây bạn có thể tiến hành thay đổi các cài đặt sau:
Kích hoạt tính năng tự làm mát
Hãy luôn chắc chắn máy tính của bạn đã kích hoạt mức làm mát cao nhất, giữ cho quạt chay mạnh và lâu hơn Tùy ở một số máy tính mà menu tùy chọn kích hoạt khác nhau, chẳng hạn "active cooling", "maximum performance" hay "maximum battery life".
Tiết kiệm điện năng cho CPU, đồ họa, card không dây,...
Cũng dễ hiểu khi máy tính càng tiêu thụ nhiều điện năng thì sẽ càng khiến máy nóng hơn. Vậy tại sao bạn không thử kích hoạt một số tùy chọn trên máy tính ở chế độ ít ngốn pin để giảm bớt độ nóng trong quá trình sử dụng.
Wireless Adapter Settings: Maximum Power Saving
Link State Power Management: Maximum power savings
Graphics Power Plan: Maximum Battery life or the equivalent, tùy chọn vào card đồ họa máy tính sử dụng
PCI Express chọn Link State Power Management: Maximum power savings
Processor power management chọn Maximum processor state: thiết lập chế độ 30%. Bạn cần cân nhắc khi chỉnh sửa thiết lập này vì sẽ giảm hiệu suất đáng kể của CPU.
Để laptop trên bàn hoặc nơi thông thoáng
Các lỗ thông hơi đều được đặt ở mặt dưới của máy tính, tuyệt đối không để laptop lên đùi tránh cản trở quá trình làm việc của các lỗ thông hơi. Hoặc để máy tính ở những nơi có bề mặt bằng vải cũng là nguyên do khiến máy tính nóng lên nhanh chóng. Cách tốt nhất nên để máy tính trên bàn làm việc và tạo thật nhiều khoảng trống xung quanh nó.
Trong mùa đông, bạn thường đặt laptop trên một đống chăn đệm, điều này không chỉ ngăn cản quá trình thoát nhiệt của laptop mà có thể khiến cho bông, sợi vải bị cuốn vào khe, quạt tản nhiệt. Hãy mua một bàn kê laptop, giá đỡ laptop chuyên dụng nếu cần phải làm việc trên giường.
Làm sạch quạt làm mát và khe tản nhiệt
Quạt giữ vai trò rất quan trọng trong việc làm mát laptop. Do đó, bạn nên kiểm tra quạt thường xuyên xem nó có bị bụi bẩn làm kẹt hoặc giảm tốc độ quay không. Việc kiểm tra quạt tản nhiệt trên laptop phức tạp hơn trên PC vì quạt thường được lắp sâu bên trong máy. Bạn có thể tháo đế laptop để kiểm tra nhanh, nếu phát hiện bụi thì có thể dùng bộ vệ sinh chuyên dụng để làm sạch. Nếu không dám tự làm điều này, lời khuyên là bạn nên mang laptop đi vệ sinh định kỳ, 1-2 năm một lần (tùy thuộc vào môi trường sử dụng laptop, nếu quá nhiều bụi bẩn thì việc vệ sinh máy tính cần được tiến hành thường xuyên hơn).
Ngoài ra, hãy chú ý đến các khe tản nhiệt, thường nằm bên cạnh laptop, bạn nên hạn chế để đồ chắn trước các khe này giúp quá trình lưu thông không khí không bị cản trở. Đây là một trong những việc không nên làm khi sử dụng máy tính, vì thế hãy chú ý nhé. Có một số dòng máy đặt khe tản nhiệt ở dưới đáy, trong trường hợp này bạn nên sử dụng đế tản nhiệt để quá trình tản nhiệt diễn ra tốt hơn.
Tra keo tản nhiệt
Trong quá trình vệ sinh laptop bạn hãy tra thêm keo tản nhiệt. Keo tản nhiệt có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống tản nhiệt của laptop. Nếu chưa biết nhiều về keo tản nhiệt, bạn hãy tham khảo bài viết về keo tản nhiệt trên Quản Trị Mạng cũng như hướng dẫn sử dụng keo tản nhiệt rất chi tiết.
Sử dụng đế tản nhiệt cho laptop
Như đã nói, một số laptop có khe tản nhiệt ở mặt đáy, nếu được kê lên mặt bàn gỗ thông thường thì hiệu quả tản nhiệt sẽ không cao. Nếu bạn sử dụng đế tản nhiệt, sẽ tạo được khoảng không giữa mặt bàn và đáy laptop, giúp không khí lưu thông tốt hơn và từ đó làm giảm nhiệt cho laptop.
Kiểm tra các phần mềm đang chạy trên laptop
Nếu các vấn đề phần cứng, khách quan đã được đáp ứng tốt nhưng laptop vẫn bị nóng thì bạn hãy nghĩ đến vấn đề phần mềm. Đôi khi do 2 phần mềm xung đột nhau, phần mềm bị lỗi, treo, ngốn rất nhiều tài nguyên khiến cho laptop nóng lên. Bạn hãy mở Task Manager, kiểm tra một lượt, phần mềm nào đang ngốn quá nhiều RAM, CPU thì tắt hoặc ít nhất là khởi động lại nó xem sao.
Còn một khả năng nữa có thể xảy ra là laptop đã bị nhiễm virus. Những con virus này sử dụng tài nguyên của máy quá nhiều, cũng khiến máy nóng lên. Bạn hãy dùng phần mềm diệt virus để kiểm tra xem nhé.
Can thiệp từ BIOS
Một số laptop chuyên dụng hỗ trợ giảm xung ngay trong BIOS của laptop để làm mát chip, Intel cũng có các công nghệ điều chỉnh xung nhịp theo nhu cầu để giúp máy chạy mát và ít ngốn điện hơn như Dynamic Acceleration Technology (DAT), Enhanced Intel SpeedStep Technology (EIST) hay Intel Turbo Boost, AMD cũng có các giải pháp tương tự.
Tuy nhiên, ở BIOS của các máy laptop hầu như không có nhiều tùy chỉnh, hầu hết được thiết lập tự động và ít có khả năng can thiệp thủ công trong BIOS, trừ một số dòng máy có thiết kế chuyên biệt.
Ưu điểm: Điểm đáng chú ý của phương pháp này là được tích hợp sẵn trong CPU và trình điều khiển hoàn toàn tự động, nên ta không cần can thiệp thủ công.
Nhược điểm: Công nghệ này chỉ có ở một số dòng CPU nhất định, nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả như những lời marketing có cánh của nhà sản xuất.
Thay đổi tốc độ quạt tản nhiệt
Giải pháp cuối cùng là thay đổi cài đặt tốc độ quạt trên laptop. Nếu cần phải sử dụng cách này, bạn hãy tham khảo hướng dẫn kiểm soát tốc độ quạt máy tính của Quản Trị Mạng nhé.
Mẹo làm mát laptop khác
Khi đã nạp đủ pin hoặc không có nhu cầu sử dụng, bạn nên rút chân sạc pin khỏi máy tính cũng là một cách để hạn chế tình trạng nóng máy.
Dùng máy tính trong những môi trường có nhiệt độ thấp hoặc sử dụng điều hòa cũng là cách giúp cho chiếc laptop thân yêu của bạn không bị tăng nhiệt quá nhiều.
Nếu sử dụng hết các mẹo trên mà laptop của bạn vẫn nóng một cách quá đáng thì hãy nghĩ đến việc mang nó đi bảo hành để kiểm tra xem các thiết bị phần cứng khác có vấn đề gì không, đừng nhúng nó vào chậu nước hay chườm đá để làm mát nhé.